top of page
  • Writer's pictureCiBoong

Bạn nói "yêu" như thế nào?

Updated: Jul 17, 2022

Về cơ bản, ngôn ngữ của tình yêu có tới 5 loại. Bạn đang nói tiếng "yêu" bằng cách nào? Và chúng ta có cần phải nói chung một ngôn ngữ tình yêu không?




Thực ra, ngôn ngữ tình yêu (love languages) không phải là một cái gì quá mới mẻ đối với mình. Cách đây hơn 3 năm, mình đã chọn chủ đề này để thuyết trình cho bài thi cuối kỳ môn Nói trước công chúng (Public Speaking), và rất mừng là đạt điểm số cũng tương đối tốt :"D. Dù tâm đắc với chủ đề này là vậy nhưng hóa ra là mình vẫn chưa thật sự bàn luận về nó cho đến tận hôm nay. Okay, nhân một ngày giữa tuần đầy gió, mình quyết định sẽ phủi bụi cái trang blog bị bỏ bê hơn một năm trời này bằng một điều tuy cũ mà mới: Love Languages.


15 giây định nghĩa

Phía trên là đoạn mở đầu bài thuyết trình của mình. Vì vẫn còn ưng đoạn này lắm nên mình bê vào đây luôn, chỉ dịch thôi, khỏi viết lại nhie :))


"Trước khi bắt đầu bài thuyết trình thì tôi có vài câu hỏi dành cho mọi người đây. Tại sao luôn tồn tại bất đồng giữa những người yêu nhau hoặc giữa các thành viên trong gia đình? Chúng ta đều biết rằng chúng ta yêu quý lẫn nhau, nhưng nhiều lúc chúng ta lại cảm thấy như không thể nào hòa hợp được nữa. Tại sao vậy?


Tôi sẽ gợi ý chút xíu nè. Bạn đã từng nghe đến khái niệm "ngôn ngữ của tình yêu" chưa? Kể từ khi quyển The Five Love Languages của Tiến sĩ Gary Chapman được xuất bản vào năm 1995, khái niệm này ngày càng trở nên phổ biến. Vậy chính xác thì "ngôn ngữ tình yêu" là gì?"


Ngôn ngữ tình yêu là cách mà ta cảm nhận và bộc lộ tình cảm với những người khác.

Ngôn ngữ tình yêu không chỉ áp dụng trong mối quan hệ lãng mạn như tình cảm đôi lứa mà còn có thể soi chiếu khi chúng ta tương tác với gia đình và bạn bè. Nhìn chung, ngôn ngữ tình yêu thường có 5 loại: Ngôn từ, Khoảng thời gian chất lượng, Quà tặng, Sự tận tụy và Những cái chạm.


1. Ngôn từ - Words of Affirmation

Tình yêu thể hiện dưới dạng ngôn từ có thể kể đến như lời tử tế (kind words), lời động viên (encouraging words) và những từ ngữ nhún nhường (humble words).


Lời tử tế (kind words)

Theo quan sát của mình, những lời tử tế là dạng ngôn ngữ tình yêu thường được sử dụng giữa cha mẹ với con cái lúc bé và của những cặp đôi mới yêu. Bạn sẽ chẳng lạ gì khi nghe thấy một đứa trẻ tíu ta tít tít "con thương ba, con thương mẹ, con thương ngoại/nội,..." mà phải không. Hoặc đối với những người đang yêu đậm sâu thì việc nói lời yêu thương hay chúc nhau ngủ ngon mỗi ngày cũng không có khó gì. Tại sao hả? Vì đó là hành động mang tính bản năng, bộc phát từ chính những cảm xúc thật mà không e ngại bị phán xét.


Lời động viên (encouraging words)

Khen ngợi cũng chính là cách để thể hiện tình yêu. Ai trong chúng ta cũng đều có những góc tối và những lĩnh vực khiến bản thân tự ti và cảm thấy bất an. Do đó, việc đưa ra ra những lời khen, lời công nhận, an ủi, động viên là cực kỳ cần thiết trong một mối quan hệ lành mạnh. Bạn hãy thử quan sát và nhớ lại xem một đứa trẻ thường được ông bà, cha mẹ, thầy cô động viên đã lớn lên và trở nên tự tin như thế nào. Tương tự như vậy, nếu hai người yêu nhau luôn để tâm và bày tỏ sự công nhận những cố gắng của nhau thì chẳng phải họ sẽ có thêm sức mạnh để vượt qua khó khăn sao?


Những từ ngữ nhún nhường (humble words)

Mình là tuýp người đề cao sự bình đẳng trong một mối quan hệ. Dù đó là mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, giữa bạn bè hay bạn đời thì việc tôn trọng nhau là một điều rất cơ bản. Trong khuôn khổ của bài viết này mình muốn đề cập đến biểu hiện dễ thấy nhất của sự tôn trọng: những từ ngữ nhún nhường. Không phải đợi đến lúc xảy ra mâu thuẫn thì ta mới lựa lời nhún nhường nhau mà ngay cả trong bối cảnh giao tiếp bình thường thì cái cách chúng ta sử dụng từ ngữ để diễn tả một yêu cầu hay đề nghị nào đó cũng quan trọng không kém. Việc ngồi đây bàn luận thì có vẻ rất dễ, kiểu như chỉ cần nhớ là "hãy đối xử với người khác cách mà bạn muốn được đối xử", nhưng để thực hiện được nó thì cần nỗ lực đến từ cả đôi bên.


Khái niệm của ngôn ngữ tình yêu thứ nhất - ngôn từ - khá đơn giản để hiểu nhưng đây lại là một ngôn ngữ khó dùng đối với nhiều người. Có lẽ là vì chúng ta thường có xu hướng sợ bị đánh giá khi thể hiện tình yêu thương bằng lời nói. Đã bao giờ bạn nghĩ tới chuyện sẽ bị trêu chọc hay bị chê, bị dán nhãn là sến, là mồm mép, nịnh bợ, trap boy/trap girl, v.v... mỗi khi bỗng dưng muốn nói lời yêu thương không? Chính sự e ngại đó đã khiến phần đông chúng ta phải đắn đo rất nhiều khi muốn trực tiếp nói ra tiếng lòng từ cảm xúc thật. Mình thì thấy rằng những ngôn từ yêu thương khi được bày tỏ kịp thời (bằng lời nói, chữ viết hay tin nhắn, v.v...) với một thái độ chân thành thì thật đáng để trân trọng đó.


2. Khoảng thời gian chất lượng - Quality Time

Mấu chốt của ngôn ngữ tình yêu thứ hai - khoảng thời gian chất lượng – nằm ở việc đồng hành (togetherness) và những cuộc đối thoại chất lượng (quality conversation).


Cách đây vài hôm mình có vô tình xem được một đoạn clip trên TikTok và người cha xứ đã kể về tình yêu của những đứa trẻ: chúng có thể dành ra cả (vài) tiếng đồng hồ chỉ để kể cho nhau nghe những câu chuyện vụn vặt, xàm xí, không đầu không cuối. Đó chính là ví dụ điển hình của việc đồng hành. Dù đó là những cuộc video call chớp nhoáng tranh thủ lúc nghỉ giữa giờ, là chở nhau chạy lòng vòng ngoài đường không biết điểm đến, hay là xuất hiện trong những dịp đặc biệt của nhau thì miễn bạn biết rằng người kia hiện diện bên bạn, dành cho bạn thời gian và sự chú ý nhất định để cùng bạn “ìn troi cái mâu mần” này, à ý là cùng bạn trải nghiệm những hoạt động đang diễn ra tại thời điểm hiện tại thì tự khắc giữa hai người sẽ nảy sinh một cảm giác an tâm.

Vấn đề không phải chúng ta đang làm gì cho nhau mà là cách chúng ta làm những điều này cùng nhau.

Ngược lại, cũng có những trường hợp dù bên cạnh nhau nhưng cảm giác xa cách vời vợi, bởi tâm trí của họ đã không thực sự ở cùng nhau. Lúc này, những cuộc đối thoại chất lượng có thể sẽ là giải pháp hữu ích.


Vậy thế nào mới là một cuộc đối thoại chất lượng (quality conversation)? Nếu như ngôn từ (words of affirmation) – loại ngôn ngữ tình yêu thứ nhất – tập trung vào điều mà chúng ta nói ra thì một cuộc đối thoại chất lượng lại tập trung vào điều mà chúng ta lắng nghe. Nghĩa là chúng ta sẽ cố gắng giúp người đối diện cảm thấy thoải mái để bộc lộ những suy nghĩ và cảm xúc của họ, chân thành lắng nghe họ bày tỏ. Trong khi đối thoại, bạn có thể đặt câu hỏi với thiện chí mong muốn hiểu đúng và hiểu rõ hơn ý của đối phương. Và tất nhiên nếu đôi bên có thể đổi vai với nhau thì cuộc nói chuyện càng trở nên có ý nghĩa hơn nữa vì nó thỏa mãn nhu cầu được lắng nghe của cả hai.


Tóm lại, những người sử dụng khoảng thời gian chất lượng làm ngôn ngữ tình yêu của mình sẽ đặc biệt đề cao sự đồng hành tự nguyện của đối phương.


3. Quà tặng – Receiving Gifts

Ai chê thực dụng chứ mình thấy tặng quà cũng là phương thức thể hiện tình yêu thương một cách trực quan nhất.


Quà là thứ mà bạn có thể cầm được trên tay và nghĩ “Ồ, anh ấy/cô ấy đã nghĩ tới mình” hay “Họ vẫn nhớ là mình thích cái này”. Quà có thể được mua (áo, quần, phụ kiện,...), được tìm thấy (một bông hoa dại bên đường, một vật kỷ niệm của người tặng,...) hoặc được làm ra (một bữa ăn, một chiếc thiệp nho nhỏ,...). Trên thực tế, đây là ngôn ngữ tình yêu dễ thực hành nhất. Chỉ cần nhớ rằng

giá tiền của một món quà thật ra không quan trọng bằng cách bạn cho đi

Đúng là “của cho không bằng cách cho” mà.


Fun fact: Trong một số trường hợp nhất định, sự hiện diện của bạn mới chính là món quà đáng giá nhất đó.


4. Sự tận tụy – Acts of Service

Những hành động ta tự nguyện làm vì hạnh phúc của những người ta yêu quý đều được xem là biểu hiện của sự tận tụy.

Hãy thử ngẫm lại xem và mình chắc chắn là bạn sẽ dễ dàng nhận ra thứ ngôn ngữ tình yêu này vẫn đang được âm thầm trao đi mỗi ngày đấy. Đó có thể là khi mẹ cặm cụi may lại chiếc áo khoác dỏm ẹc bạn săn sale trên Shopee, là khi xưa ba vẫn đều đặn đón đưa bạn đi học bất kể nắng mưa (và cả những hôm bạn rình rang đi muộn :v), là khi chị còng lưng tìm thông tin đăng ký bảo hiểm xã hội tự nguyện cho đứa em thất nghiệp, và cũng là khi anh bạn thân đang ốm mà đêm hôm bật dậy ngồi viết bản đồ vì biết khả năng cao bạn vẫn sẽ đi lạc đường dù điện thoại có Google Map.


Có những hành động tưởng là nhỏ xíu thôi nhưng lại mang ý nghĩa siêu to khổng lồ với đối phương, miễn là chúng xuất phát từ một thái độ tích cực và tình yêu thương vô điều kiện.

5. Những cái chạm – Physical Touch

Những cái chạm, nói cho vuông là những tiếp xúc vật lý da chạm da như bắt tay, ôm, hôn, massage, v.v... Cũng giống như ngôn từ (words of affirmation), những cái chạm thường sẽ bị chúng ta hạn chế sử dụng (công khai) để thể hiện tình yêu thương vì e ngại sợ bị đánh giá. Thế nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng những cái chạm đúng lúc và đúng cách có khả năng phi thường trong việc truyền tải tình cảm.


Trong một số trường hợp, những cái chạm khiến chúng ta cảm thấy an toàn và được yêu thương. Rất nhiều nghiên cứu về sự phát triển của trẻ đã đưa ra kết luận: những em bé được bế, ôm, hôn sẽ có đời sống tinh thần lành mạnh hơn những em bé không nhận được sự quan tâm về mặt tiếp xúc vật lý suốt một thời gian dài. Một minh chứng khác cho thấy sức mạnh của những cái chạm chính là sự lan tỏa khắp toàn cầu dự án Free Hug và các thí nghiệm cộng đồng tương tự. Cho dù đó chỉ là cái ôm của những người lạ qua đường nhưng cũng đủ khiến bất cứ ai thuộc bất kỳ màu da, tôn giáo hay dân tộc, giới tính nào cảm thấy vững tin và được an ủi hơn rất nhiều.


Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng những cái chạm là con dao hai lưỡi. Chúng có thể bắt đầu hình thành nên sợi dây gắn kết giữa hai người nhưng đồng thời cũng có thể nhanh chóng phá hủy một mối quan hệ.

"Người ta có thể ôm nhau, hôn nhau hoặc đi xa hơn nữa mà không cần có tình cảm, nhưng sẽ kì lắm nếu không có tình cảm mà tay trong tay với người khác, chẳng ai thừa hơi làm thế bao giờ." - @kulzsc

Có cần phải nói chung một ngôn ngữ tình yêu?

Chính vì có tới 5 loại ngôn ngữ tình yêu (Ngôn từ, Khoảng thời gian chất lượng, Quà tặng, Sự tận tụy và Những cái chạm) nên lại dẫn tới một vấn đề: những người yêu thương nhau chưa chắc đã nói cùng một ngôn ngữ!


Hãy xem thử ví dụ từ một gia đình điển hình hay xuất hiện trong quảng cáo mỗi dịp Tết đến xuân về nè. Những đứa con đi làm xa nhà bận bịu quanh năm để kiếm tiền, gửi quà về cho cha mẹ ở quê bởi họ đang sử dụng Quà tặng làm ngôn ngữ yêu thương. Trong khi đó, Khoảng thời gian chất lượng mới là thứ ngôn ngữ mà những người cha người mẹ mong đợi nhất vì lúc này họ chỉ mong con cái dành nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc họ hơn. Tương tự như vậy, nhiều cha mẹ cũng chưa dành thời gian để thật sự lắng nghe và chia sẻ với con cái mình ở độ tuổi dậy thì bởi họ nghĩ rằng Sự tận tụy đã là cách thể hiện tình cảm tốt nhất rồi. Do đó, gốc rễ của những bất đồng cũng xuất hiện từ đây. Chúng ta không nhìn ra được ngôn ngữ yêu thương của đối phương nên chúng ta thất vọng, cảm thấy như bị bỏ quên và rồi dần trở nên xa cách.


Cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này có lẽ chỉ còn học cách sử dụng ngôn ngữ tình yêu của nhau mà thôi. Và tất nhiên, trước hết bạn phải nhận biết được đâu là ngôn ngữ của mình và đâu là ngôn ngữ của họ. Lưu ý rằng không phải mỗi người chỉ sử dụng duy nhất một loại ngôn ngữ đâu nhie, mà là thứ tự ưu tiên các loại ngôn ngữ của mỗi người sẽ khác nhau. Hãy liệt kê theo lần lượt đâu là loại ngôn ngữ mà bạn cảm thấy có ý nghĩa đối với mình nhất, sau đó chia sẻ và trao đổi với đối phương để hai bên hiểu rõ nhu cầu của nhau. Mình tin rằng với cách này thì sự quan tâm và tình cảm chân thành của chúng ta sẽ dễ dàng được nhận biết hơn, và hy vọng rằng từ đó mối quan hệ sẽ bớt bất ổn hơn.


Tóm lại là

Việc nhận biết được 5 ngôn ngữ tình yêu là một nước đi khá quan trọng nếu bạn muốn cải thiện mối quan hệ hằng ngày với những người bạn yêu quý. Dẫu biết rằng việc học “nói” ngôn ngữ tình yêu của người khác cũng khó không kém gì học một ngoại ngữ mới nhưng chắc chắn là xứng đáng. Bởi vì:

"Nếu ta thực sự muốn yêu nhau, ta cần phải hiểu người kia mong muốn điều gì." "If we wish to love each other, we need to know what the other person wants." - Gary Chapman

Và như thường lệ, kết thúc bài viết bằng một chiếc nhạc vui tai mà mình mới nghe dạo gần đây nè. Cảm ơn mọi người đã dành thời gian để đọc blog của CiBoong nhie! Xin chào và hẹn gặp lạiii.



91 views0 comments

Recent Posts

See All
Anchor 1
Anchor 2
bottom of page