top of page

Nói biết ơn liệu có giả trân? (P.1)

  • Writer: CiBoong
    CiBoong
  • Oct 3, 2020
  • 6 min read

Updated: Mar 8, 2021



Không biết từ bao giờ mà cụm từ “biết ơn” lại trở nên phổ biến ngoài khuôn khổ sách giáo khoa đến thế.


Đâu đâu người ta cũng nói về sự cần thiết của việc thực hành lòng biết ơn như một kỹ năng mềm vậy á. Nếu tra cụm từ "biết ơn" trên Google thì trung bình cứ 1 giây sẽ tìm được khoảng 233.000.000 kết quả, trong khi "Trấn Thành" - một trong những MC hot nhất hiện nay - chỉ cho hơn 96.450.000 kết quả/giây và "Vợ Ba" - top 5 bộ phim điện ảnh được người dùng Việt Nam tìm kiếm nhiều nhất trên Google năm 2019 - chỉ hiển thị hơn 181.200.000 kết quả/giây.



Từ khóa "Biết Ơn" phổ biến đến nỗi giả như mình chưa thấm nhuần tư tưởng này trước đó thì hẳn là đã cảm thấy chán ngán rồi :"))


Bài viết "Nói biết ơn liệu có giả trân không?" sẽ có 2 phần hẳn hoi. Và tuần này sẽ là


Phần 1: Tại sao mình muốn biết ơn?

Okay, không lòng vòng nữa, sau đây là 3 lý do khiến mình tự cảm thấy cần học cách biết ơn.



#1. Cảm giác biết ơn thật sự rất dễ chịu!

Lần đầu tiên mình nhận thức được khái niệm Biết Ơn là ngay buổi tập yoga đầu tiên tại câu lạc bộ ở trường. Sau hơn 1 tiếng đồng hồ uốn éo vặn vẹo đau hết cả người thì cũng tới phần yêu thích nhất của mình: thư giãn ở tư thế savasana (giống như con corgi trong hình á ;)) ).

“Lắng nghe từng nhịp thở của cơ thể... Từ từ thả lỏng cơ mặt; thả lỏng cổ, vai; thả lỏng cánh tay, thả lỏng cổ tay, thả lỏng các ngón tay... Thả lỏng cơ bụng, thả lỏng hông... Thả lỏng chân, thả lỏng cơ đùi, thả lỏng cổ chân, các ngón chân... Hãy cảm nhận sự thoải mái đang lan dần ra khắp cơ thể...” - giọng thầy hướng dẫn nhẹ nhàng vang lên. Dù đã gần 3 năm trôi qua nhưng mỗi lần nhớ lại mình vẫn cảm thấy như có một dòng suối mát rượi đang róc rách lần lượt chảy khắp cơ thể thật @.@.


“...Hãy cảm nhận sự thoải mái đang lan dần ra khắp cơ thể. Hãy lắng nghe âm thanh xung quanh: tiếng gió thổi tán cây xào xạc, tiếng xe chạy xa xa, tiếng nhạc du dương êm đềm...

Ngay lúc này đây, ta cảm ơn đôi tai vì đã cho ta nghe được những âm thanh đó. Cảm ơn đôi bàn chân đã đưa ta đi cả ngày. Cảm ơn cơ thể hôm nay đã luyện tập chăm chỉ...”

Nghe tới đây, bỗng dưng mình cảm thấy như được xoa đầu: “Ohhh... Good girl, good girl!” :))

Nếu bạn đã từng tập yoga rồi hẳn sẽ cảm nhận trọn vẹn được sự thoải mái đến từ việc biết ơn chính từng bộ phận trên cơ thể mình. Phần lớn thời gian trong ngày chúng ta vô tư chấp nhận nó như một điều hiển nhiên. Chúng ta thậm chí còn bực bội và chán ngán bản thân mỗi khi lỡ làm một chuyện ngáo ngơ ngớ ngẩn nào đó hoặc khi cơ thể nhức mỏi đòi biểu tình.

Có thể bạn quên mất cái tin cũ rích này: Ngay cả khi chúng ta ngủ, các cơ quan như trái tim, bộ não, gan, phổi,.. vẫn phải hoạt động á.

Bởi vậy, khi mình thầm cảm ơn cơ thể đã chịu làm việc không một ngày nghỉ phép trong năm, thầm cảm ơn bản thân mỗi khi hoàn thành hay đạt được một việc gì đó, mình cảm thấy thiệt là dễễễ chịuuu.



#2. Biết ơn giúp mình giàu có


Lần thứ hai mình nghe về khái niệm Biết Ơn là khoảng thời gian làm coach ở VietFuture. Chủ đề Biết Ơn trong những khóa học phát triển bản thân dành cho bọn trẻ con như thế này không phải hiếm, nhưng mình thích cách các trainer ở đây dẫn dắt và truyền tải thông điệp. Đến cuối cùng, có một câu nói khiến mình ấn tượng đậm sâu:

"Chỉ có người nghèo khổ mới liên tục đòi hỏi. Muốn trở nên giàu có, hãy học cách biết ơn."

Thoạt nghe có vẻ sáo rỗng nhẻy? Nhưng sau khi suy nghĩ + một khoảng thời gian quan sát và kiểm nghiệm, mình thấy nó lại hợp ý vi:el ra nhờ 2 lý do sau đây.


  • Khi chúng ta bắt đầu đòi hỏi, bộ não sẽ ngay lập tức liên tưởng tới những thứ mà chúng ta không có: nào là (nhiều) tiền, nào là công việc lý tưởng, đồng nghiệp dễ thương, khách dễ chiều,... Xong rồi thể nào ta cũng cảm thấy mình mới thật là khổ thân làm sao, vừa nghèo lại chả có ai yêu, kiểu kiểu vậy :)) Thế nhưng nếu ta tập trung vào những thứ mà chúng ta thì đời hẳn là cũng không đến nỗi tệ: tiền đủ ăn hằng ngày và thỉnh thoảng nổi hứng lên vẫn có thể tụ tập bạn bè (như tụi mình thỉnh thoảng họp Động và mỗi lần họp xong lại thề thốt sẽ cạch mặt nhau để đỡ tốn tiền :)) ), công việc không lý tưởng lắm nhưng vẫn được trả lương và có thêm tí kinh nghiệm (không bổ dọc thì cũng bổ ngang à),... Bởi vậy, biết ơn giúp chúng ta nhận ra mình đâu có thật sự thiếu thốn, mà đã không thiếu thốn thì tức là no đủ. Và càng cảm thấy đủ thì chẳng phải là càng giàu có sao?


  • Lý do thứ hai liên quan đến Luật hấp dẫn (Law of attraction). Theo nghiên cứu sơ bộ và ngẫu hứng của mình thì Luật hấp dẫn được xem là một hiện tượng vật lý hẳn hoi nha (mọi người có thể tìm hiểu thêm, nhiều tài liệu có sẵn lắm). Vì mình không giỏi Lý lắm nên chỉ có thể giải thích sương sương theo cách mình hiểu thôi. Đại loại là khi chúng ta suy nghĩ và hành động, cơ thể sẽ phát ra những rung động tác động ngược lại vào môi trường xung quanh. Đương nhiên nếu suy nghĩ và hành động càng thường xuyên và mạnh mẽ thì lực tác động cũng tăng dần lên, và nó thu hút lại những rung động cùng tần số. Thế nên khi chúng ta biết ơn những thứ chúng ta đang có, tức hướng tập trung vào sự thịnh vượng của bản thân, thì cũng là lúc chúng ta đang thu hút lại điều tương tự từ môi trường xung quanh. Câu nói kinh điển "Người giàu sẽ càng giàu và người nghèo sẽ càng nghèo" cũng đúng trong trường hợp này chăng?



#3. Biết ơn cho đỡ khổ đi


Sở dĩ việc Biết Ơn hay bị quánh giá "giả trân" là bởi câu hỏi "Tại sao lại phải biết ơn cả những điều/người/việc khiến chúng ta trở nên tức giận/buồn bực/khốn khổ thế này?". Mình nghĩ câu trả lời nằm ở chính việc biết ơn sẽ giúp chúng ta bớt tức giận/buồn bực/khốn khổ hơn. Sao lại thế được?


Trong trường hợp này, Biết Ơn lại mang ý nghĩa nghiêng về "thái độ sống tích cực" hơn là "thái độ trân quý". Khi một người bị mất trộm, người thân của anh ta an ủi: "Thôi thì của đi thay người..."; khi vừa trải qua một kỳ thực tập khắc nghiệt, ta tự nhủ: "Kinh nghiệm đầu đời, ít nhất biết được môi trường này có phù hợp với mình không..."; khi thất tình rồi khóc muốn cạn nước mắt, tarot healer bảo: "Xem như tập yêu thương và hoàn thiện bản thân trước khi tìm được tri kỷ của đời mình...".

Cứ thế, Biết Ơn (hay nói cách khác là việc chấp nhận với một thái độ tích cực) sẽ là chiếc xuồng cứu sinh giúp chúng ta vượt qua những ngày lênh đênh tăm tối. Mà bạn biết đấy, đã là xuồng cứu sinh thì tất nhiên chẳng thể nào dễ chịu như ngồi trên một chiếc du thuyền được; nhưng bạn sẽ chọn ngồi xuồng hay tự vẫy vùng và chẳng mấy chốc sẽ chìm đắm trong bể khổ đó?



Biết ơn những điều may mắn lẫn trong những thứ tệ hại sẽ giúp chúng ta vượt qua những ngày lênh đênh tăm tối.

Nhìn ra được sự may mắn trong những thứ tệ hại cũng giống như uống một liều thuốc giảm đau vậy. Điều tệ hại thì vẫn còn đó nhưng ít nhất đến khi hoàn toàn bình tâm lại rồi mới hiểu rằng mọi chuyện xảy ra đều có nguyên nhân của nó. Lúc này mình tin chắc rằng Biết Ơn đã trở thành thái độ thật cmnr, và rồi bạn sẽ lại thấy biết ơn bản thân vì ngay cả đang tức giận/buồn bực/khốn khổ vẫn đã nhẫn nại học cách biết ơn *blink*.



Đó là bài viết của tuần này. Phần 2 với tựa đề Học Biết Ơn chẳng khó đến vậy sẽ sớm được xuất bản để tiếp nối series Nói biết ơn liệu có giả trân?. Mọi người đón xem nha! <3


Và như thường lệ, bật lên một chút nhạc nè.

Bài này mình đã nghe từ năm 2017 rồi nhưng đến hôm nay mới biết có chiếc MV màu sắc dễ thương vầy với cả mấy đoạn jazz được làm nổi bật hơn hẳn so với bản audio gốc nghe thích ghê ^^.

Cuối cùng, cảm ơn bạn nhé vì đã đọc tới tận dòng này :D.



Comments


Anchor 1
Anchor 2

©2020 by ciboong_121. Proudly created with Wix.com

bottom of page